TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM VÀ PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2025

Tình hình tội phạm mua bán người trong những năm gần đây đã diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, loại tội phạm này đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với an ninh trật tự xã hội.
Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn xã hội, khiến cộng đồng vô cùng bức xúc. Hành vi này trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người, trong đó nhóm đối tượng chịu tổn thương chủ yếu là phụ nữ và trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước.
Đáng lưu ý, các đối tượng phạm tội không chỉ là người lạ mà còn có thể là bạn bè, người quen, thậm chí là người thân trong gia đình. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như hứa hẹn việc làm nhẹ nhàng, thu nhập cao; núp dưới vỏ bọc đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học thông qua các tổ chức lừa đảo trong và ngoài nước. Thậm chí, chúng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le để môi giới, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ chưa sinh; dùng tiền bạc để chi phối, ép buộc nạn nhân sa ngã hoặc lệ thuộc; lợi dụng sự sơ hở của các bà mẹ có con nhỏ để chiếm đoạt con, rồi làm giả giấy tờ bán đi nơi khác.
Hậu quả của tội phạm mua bán người là vô cùng nặng nề:
- Nạn nhân bị bóc lột sức lao động, ép làm những công việc quá sức, nặng nhọc; chịu đựng hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; bị thương tật, thậm chí tử vong.
- Nạn nhân bị cưỡng bức, bóc lột tình dục, đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền, đặc biệt HIV/AIDS; mất đi quyền công dân và quyền con người cơ bản.
- Tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng, dễ rơi vào trạng thái lo âu, mặc cảm, mất niềm tin và khó hòa nhập với xã hội.
Rất nhiều trường hợp dễ bị sa ngã, lún sâu vào các tệ nạn xã hội hoặc tiếp tục trở thành “con mồi” cho các đường dây mua bán người. Gia đình các nạn nhân cũng gánh chịu những tổn thất không nhỏ: tốn kém thời gian, tiền bạc và sức lực trong việc tìm kiếm người thân; hạnh phúc gia đình bị xáo trộn; con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc; người thân trong gia đình sống trong trạng thái lo âu, bất an và dễ trở thành nạn nhân tiếp theo.
Về mặt xã hội, tội phạm mua bán người làm suy yếu an ninh trật tự, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời tạo gánh nặng lớn về kinh tế trong công tác khắc phục hậu quả.
Trước thực trạng nghiêm trọng này, Chính phủ đã có những hành động kịp thời, quyết liệt bằng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phòng, chống hiệu quả tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12, được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực từ 01/01/2012, đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này. Luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Luật quy định chi tiết các biện pháp phòng ngừa qua Chương II với 12 điều, tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng ngừa mua bán người. Các biện pháp này nhằm tạo sự cảnh giác, ngăn chặn và loại trừ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đồng thời chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
Đáng chú ý, Luật yêu cầu quản lý chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng như hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, dịch vụ văn hóa, du lịch… để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán người.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ sở kinh doanh, nhà trường, cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc và mỗi cá nhân, gia đình đều được quy định trách nhiệm rõ ràng trong công tác phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân, nhằm tạo nên một hệ thống phòng, chống tội phạm mua bán người toàn diện và hiệu quả.
Thời gian qua, các thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, vì vậy mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, cần nâng cao cảnh giác, không đi theo người lạ, luôn báo tin cho gia đình, thảo luận kỹ lưỡng trước khi đi làm việc xa nhà, biết rõ địa chỉ, số điện thoại nơi đến, và phải có cam kết lao động được chính quyền địa phương xác nhận.
Chung tay hành động, mỗi cá nhân hãy tích cực phòng chống tội phạm mua bán người, góp phần bảo vệ sự an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Sự đoàn kết và quyết tâm của toàn dân chính là sức mạnh vững bền để đẩy lùi tội ác, xây dựng một tương lai tươi sáng, an lành cho đất nước./.
Thông tin khác
- Thông báo tuyển gấp 130 lao động đi làm việc tại nhật bản (12/03/2025)
- Thông báo doanh nghiệp có đủ giấy phép hồ sơ pháp lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động... (11/03/2025)
- Thông báo về việc tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố sa... (07/03/2025)
- Ubnd xã tân quy tây tổ chức phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các chị em hội... (05/03/2025)
- Thông báo tuyển lao động làm việc trong và ngoài tỉnh đồng tháp (03/03/2025)
- Tân quy tây duy trì mô hình, tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở ủy... (28/02/2025)
- Lãnh đạo địa phương chúc mừng trạm y tế xã tân quy tây... (27/02/2025)
- Trao quyết định về việc điều động công chức cấp xã (21/02/2025)
(0)
(0)
(0)
(0)
(0)
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét